(ĐTCK) Đối mặt với vấn đề sức cầu giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong mùa đại hội năm nay, các doanh nghiệp ngành sản xuất đã chia sẻ những giải pháp cụ thể để vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kinh doanh.
“Khó khăn đổ dồn vào doanh nghiệp”
Trong ba tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1%, trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi dự báo sẽ suy giảm tốc độ tăng trưởng. Lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều quốc gia và xu hướng thắt chặt tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm nay.
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 75,11 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bối cảnh đó khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 75,11 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Dự báo khó khăn tiếp tục kéo dài, Bộ Công Thương cho biết, một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí các-bon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu… Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những khó khăn đang đổ dồn vào cộng đồng doanh nghiệp.
“Mặc dù lạm phát đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn cao và khả năng lạm phát cao sẽ kéo dài hết năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Anh, Nhật Bản được dự báo năm sau thấp hơn năm nay. Tăng trưởng kinh tế thấp có nghĩa nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn này tiếp tục chưa được cải thiện”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Điều đó có nghĩa, bức tranh xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn nhiều khó khăn. Trong khi đó, về nguồn vốn, dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn khó, chi phí vốn vẫn ở mức cao so với thực trạng doanh nghiệp hiện nay. Các áp lực này đang dồn lên vai doanh nghiệp.
Xuất khẩu khó hơn, nhưng nhu cầu tiêu dùng nội địa không được cải thiện nhiều. Nhiều thách thức chờ đợi doanh nghiệp trong năm 2023.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tập đoàn Sơn Hà cho biết, năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn đối với kinh tế trong nước và toàn cầu khi phải đối phó với khủng hoảng kinh tế, sức cầu giảm. Trước thách thức này, Sơn Hà đề ra nhiều giải pháp trọng tâm trong đó tập trung vào những ngành hàng trọng điểm mang lại doanh thu lớn nhưng đảm bảo lợi nhuận.
Tương tự, Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) cũng dự báo năm 2023 vẫn là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và Gỗ Trường Thành nói riêng, tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài. Mặt khác, do tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, nên các doanh nghiệp cạnh tranh về giá bán sản phẩm để lấy đơn hàng sản xuất bằng mọi giá, làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra càng thấp, gây khó cho Công ty trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất.
Nỗ lực tìm cách tăng trưởng
Dù nhìn nhận khó khăn nhưng Tập đoàn Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 16%. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.600 tỷ đồng nhưng cuối năm chỉ hoàn thành hơn 95% kế hoạch.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sơn Hà lên kế hoạch tối ưu hóa chi phí, đa dạng các sản phẩm bán hàng gắn với nhu cầu thiết yếu của người dùng; tăng cường bán chéo. Riêng mảng xuất khẩu, dù Mỹ và EU vẫn đang đối mặt với lạm phát cao nhưng Tập đoàn Sơn Hà cho biết kế hoạch năm nay sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này, với mục tiêu doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 40% so với năm 2022.
Đồng thời, Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc để nâng cao công tác quản trị, bán hàng và tiết giảm chi phí.
TTF cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao gấp gần 16 lần về lợi nhuận so với kết quả đạt được của năm 2023.
Cụ thể, trong kế hoạch trình đại hội cổ đông tới đây, TTF đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng. TTF vừa thoát lỗ trong năm 2022 sau một thời gian dài thua lỗ lớn, với số lãi vỏn vẹn 3,4 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đột biến trong năm nay, TTF cho biết đang nỗ lực mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường trong nước (đẩy mạnh thương hiệu Domini, Casadora) và ngoài nước (tập trung sâu rộng vào thị trường châu Âu) để phòng tránh rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.
Ngoài ra, Công ty cũng chủ động tìm kiếm khách hàng mới bằng nhiều kênh quảng bá, tham gia hội chợ. Mở rộng tìm kiếm thêm nhiều nguồn nguyên vật liệu với chi phí tốt và ổn định nhằm cung cấp đồng bộ kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kiểm soát định mức tiêu hao nguyên vật liệu và tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp sản xuất ngành chăn nuôi như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC), khó khăn của năm 2022 vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Đó là vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và chi phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp khiến người chăn nuôi thu hẹp quy mô, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Năm 2023, Dabaco đặt kế hoạch doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, cao gấp 109 lần so với thực hiện năm 2022. Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín 3F (Feed – Farm – Food), đồng thời tận dụng các cơ hội từ lĩnh vực khác để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Dabaco cũng thông qua kế hoạch vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính để phục vụ sản xuất – kinh doanh và mở rộng đầu tư trong năm 2023.
Linh hoạt với tình hình mới để tìm đơn hàng mới và mở rộng thị trường là cách các doanh nghiệp đang làm để vượt qua khó khăn, hiện thực hóa kế hoạch có lợi nhuận tăng trưởng trong một năm kinh doanh đầy thách thức như năm nay.
NGUỒN TIN: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-san-xuat-tim-huong-vuot-kho-post318832.html